Một trong những ngành nghề phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam là nghề nhân viên tư vấn. Chính vì vậy, việc phỏng vấn xin việc đối với ngành nghề này luôn cần phải tạo được sự ấn tượng để cạnh tranh với những ứng viên khác. Việc tìm hiểu trước những câu hỏi phỏng vấn sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt và tăng cơ hội trúng tuyển. Dưới đây là bài viết tổng hợp về những câu hỏi khi phỏng vấn ngành nghề này, hãy cùng theo dõi nhé!
I. Cần chuẩn bị gì khi tham gia phỏng vấn nhân viên tư vấn?
1. Trước buổi phỏng vấn
Trước mỗi buổi phỏng vấn, các ứng viên đều phải chuẩn bị trước để đảm bảo buổi tuyển dụng được diễn ra một cách suôn sẻ nhất. Hãy tạo cảm giác thoải mái trước khi phỏng vấn, việc lo lắng sẽ khiến bạn dễ gặp phải lỗi sai khi trả lời. Bạn có thể thử luyện tập trả lời các câu hỏi cơ bản cùng những cử chỉ, phong thái trước khi phỏng vấn để trở nên tự tin hơn.
Tìm việc làm, tuyển nhân viên tư vấn có thể bạn quan tâm:
– Nhân viên Tư Vấn Bán Hàng Điện Máy Xanh
2. Trong thời gian phỏng vấn
Trong buổi phỏng vấn, bạn cần tập trung cao độ, nhìn thẳng vào người phỏng vấn và tránh làm việc riêng. Khi đó, nhà tuyển dụng sẽ cảm nhận được sự lo lắng của bạn và có thể đánh giá rằng bạn là người không thật sự chuyên tâm vào công việc, dễ bị xao nhãng, mất tập trung.
3. Khi kết thúc buổi phỏng vấn
Sau khi kết thúc phỏng vấn, việc cần làm của bạn chưa phải là hết, hãy tiếp tục thể hiện sự tự tin, tinh tế và chuyên nghiệp của mình. Sau khi phỏng vấn xong, bạn nên cúi chào và cảm ơn nhà tuyển dụng một cách chân thành và lịch sự, bạn cũng có thể email cảm ơn sau phỏng vấn. Hành động này của bạn sẽ giúp nhà tuyển dụng cảm thấy bạn là một người tinh tế, cầu toàn và liên tục muốn trau dồi bản thân.
II. Cách trả lời 12 câu hỏi phỏng vấn nhân viên tư vấn thường gặp
1. Lý do nào khiến bạn lựa chọn công việc nhân viên tư vấn?
Đây là câu hỏi để hiểu rõ hơn về mục tiêu nghề nghiệp cũng như động lực của ứng viên khi ứng tuyển vào vị trí nhân viên tư vấn. Nhà tuyển dụng muốn kiểm tra về động lực làm việc, mục tiêu làm việc cũng như sự kiên trì theo đuổi công việc này của bạn. Hãy nói về suy nghĩ thật sự của mình một cách thẳng thắn, hoặc hướng câu trả lời theo mong ước phấn đấu của bạn.
2. Theo bạn, nhóm đối tượng khách hàng của chúng tôi là ai?
Để ứng tuyển vào vị trí nhân viên tư vấn, việc tìm hiểu trước thông tin của cơ sở mà bạn ứng tuyển là vô cùng quan trọng. Những thông tin bạn nên tìm hiểu bao gồm thông tin về sản phẩm cần tư vấn, phản hồi gần đây của khách hàng đối với các sản phẩm của công ty hay định hướng của nơi bạn làm,… Xác định được những thông tin này, bạn sẽ tìm ra được nhóm đối tượng khách hàng của từng công ty. Việc này sẽ chứng minh rằng bạn có quan tâm và thực sự nghiêm túc với công việc trong tương lai hay không.
Ví dụ: nhóm đối tượng khách hàng của Thế Giới Di Động bao gồm sinh viên, người đi làm, những người có nhu cầu tìm đến các dịch vụ do Thế Giới Di Động cung cấp,…
3. Theo bạn, yếu tố nào quyết định hành vi mua hàng của khách?
Bạn cần giữ sự tập trung và tỉnh táo khi trả lời câu hỏi này. Nhà tuyển dụng lúc này sẽ mong muốn sự phán đoán và tìm hiểu rõ ràng về công ty từ bạn. Một nhân viên tư vấn thường sẽ dành phần lớn thời gian tiếp xúc với khách hàng, do đó câu trả lời của bạn nên tập trung vào khách hàng. Ví dụ như: “Thái độ tư vấn và sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt tâm lý khách hàng là 2 yếu tố quan trọng quyết định đến hành vi mua hàng của khách hàng”.
4. Theo bạn, định nghĩa dịch vụ khách hàng tốt là như thế nào?
Dịch vụ khách hàng tốt cần đáp ứng được tất cả các yêu cầu và phải phù hợp với người mua, cho dù đó là khách hàng mới hay VIP lâu năm. Đây là câu hỏi để xác định sự khéo léo của bạn trong việc tư vấn về sản phẩm cho khách hàng của mình. Nhiệm vụ của người tư vấn chính là phải làm sao để khách hàng cảm thấy họ được chăm sóc và phục vụ tốt nhất. Bên cạnh đó, dịch vụ khách hàng tốt còn phải thể hiện được sự tôn trọng và thân thiện với khách hàng.
5. Khi tư vấn sản phẩm/dịch vụ cho một khách hàng, bạn sẽ ưu tiên tư vấn gì?
Là một nhân viên tư vấn, lắng nghe cũng là một cách tư vấn hiệu quả. Hãy hỏi những câu ngắn và để khách hàng trả lời. Những câu hỏi về sở thích đối với sản phẩm của họ ra sao, họ thích dùng trong trường hợp nào,… sẽ giúp bạn dễ dàng tìm ra sản phẩm mình cần ưu tiên để tư vấn. Câu hỏi cũng cho thấy sự khéo léo của bạn trong mắt nhà tuyển dụng.
6. Bạn có thể nói qua về cách mà mình bắt đầu và kết thúc quá trình tư vấn hay không?
Đây là câu hỏi chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy được rằng bạn hiểu rõ về việc tư vấn, từ khi xác định tiềm năng đến khi bán được món hàng đó. Hãy tập trung vào giải thích chi tiết, có thể bắt đầu từ chiến lược quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ cho đến khi hướng dẫn khách hàng tiềm năng qua một hành trình tư vấn và thuyết phục. Bạn có thể đề xuất cho nhà tuyển dụng thấy quy trình nhất quán, chiến lược kế hoạch, giải pháp tư vấn sáng tạo,… mà bạn đã tự khám phá ra.
7. Có buổi tư vấn nào của mình khiến bạn ấn tượng nhất? Khách hàng đã phản ứng ra sao trong ngày hôm ấy?
Đây là câu hỏi thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy sự nhiệt tình cũng như kinh nghiệm của bản thân trong việc tư vấn.
Để trả lời câu hỏi này, bạn hãy thử đưa ra kỷ niệm mà bạn ấn tượng nhất khi tư vấn cùng với đó là cách xử lý vấn đề của bạn. Bởi công việc này yêu cầu bạn phải tiếp xúc với nhiều nhiều người trong nhiều tình huống khác nhau. Việc luôn giữ cho mình một tâm trạng và tinh thần làm việc tốt sẽ khiến bạn ghi điểm.
Ví dụ như, khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm A, nhưng cửa hàng đã hết đã hết mặt hàng đó. Bạn đã nhiệt tình và kiên nhẫn giới thiệu sản phẩm B cùng tính năng và phân khúc. Do đó, bạn được khách hàng đánh giá rất cao. Hay đối với khách hàng khó tính thì cách tốt nhất là nhân viên tư vấn cần giữ bình tĩnh và cư xử thật hòa nhã. Hãy vận dụng sự khéo léo và tinh tế để xoay chuyển tình huống và giải tỏa sự căng thẳng của khách hàng. Đồng thời, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân sự việc để có thể giải quyết nhanh chóng và thỏa đáng nhất.
8. Cá nhân bạn sẽ dựa vào điều gì để đánh giá năng lực của một nhân viên tư vấn?
Trong lĩnh vực tư vấn, việc đạt được chỉ tiêu đã đề ra sẽ luôn được đánh giá cao nhất. Không có cách đánh giá nào hiệu quả hơn bằng cách thể hiện qua doanh số tư vấn. Chính vì thế, khi được hỏi về chỉ tiêu đánh giá năng lực thì KPI hay những số liệu thực tế mà bạn đã đạt được sẽ là cách đánh giá tốt nhất.
9. Bạn nghĩ đội ngũ nhân viên tư vấn của chúng tôi có thể làm gì để cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng?
Nhà tuyển dụng thường hỏi câu này với mục đích tìm hiểu xem các ứng cử viên có nghiên cứu về công ty của họ trước khi tham gia phỏng vấn không và đánh giá tư duy sáng tạo và khả năng tư vấn của bạn.
Cách trả lời thường là đưa ra những ý kiến giúp cải thiện sản phẩm của công ty. Ví dụ như: “Tôi nghĩ công ty nên khảo sát khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ để đưa ra chiến lược đãi ngộ tốt hơn với họ.”
10. Tại sao chúng tôi nên chọn bạn thay vì những ứng viên khác?
Đây là câu hỏi mà hầu hết nhà tuyển dụng đều sẽ đặt cho các ứng viên của mình. Bạn cần khẳng định điều mà bạn đang cần ở công ty cũng như điều mà công ty đang tìm kiếm. Cách tốt nhất để trả lời câu hỏi này chính là bạn nên làm rõ mục tiêu nghề nghiệp của mình để làm nổi bật được sự tương đồng giữa bạn và vị trí mà bạn đang ứng tuyển, giúp nhà tuyển dụng nhìn nhận bạn là một người có tầm nhìn chiến lược, lâu dài.
11. Mức lương mà bạn mong muốn nhận được khi làm việc tại công ty chúng tôi là bao nhiêu?
Câu hỏi này nhằm xác định mục đích làm việc của các ứng viên. Trong trường hợp này, hãy nêu những thành tích mà bạn đã đạt được, cùng kỹ năng và kinh nghiệm để chứng minh rằng bạn xứng đáng với mức lương mình đề ra.
Ví dụ: “Sau khi đối chiếu khả năng của mình với yêu cầu của công việc, tôi muốn nhận mức lương trong khoảng từ 10 đến 12 triệu”. Sự tự tin khi nói với nhà tuyển dụng rằng mình có thể thực hiện tốt công việc này dựa theo năng lực hiện tại sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng và mang lại lợi thế khi đàm phán mức lương mong muốn.
12. Để kết thúc buổi phỏng vấn, bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không?
Đây là câu hỏi mà không phải ứng viên nào cũng trả lời trót lọt khiến nhà tuyển dụng hài lòng. Đằng sau câu hỏi này là vô vàn những thông tin bên tuyển người cần biết như cách bạn tiếp cận với công việc như thế nào, hay họ muốn biết bạn có thực sự quan tâm đến công việc hay không, hoặc muốn xác định xem bạn có thực sự muốn làm việc tại công ty không.
Đối với câu hỏi này, ứng viên có thể để lại ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng bằng cách thỏa mãn được 3 mong muốn kể trên. Ngoài ra, việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng cũng giúp ứng viên tìm hiểu chi tiết hơn về công việc đang ứng tuyển. Từ đó, nhà tuyển dụng cũng sẽ tự đánh giá sự phù hợp của bản thân cho vị trí này, cân nhắc có thay đổi quyết định nhận việc hay không nếu phỏng vấn thành công.
III. Tham khảo những câu hỏi phỏng vấn nhân viên tư vấn phổ biến khác.
1. Bộ câu hỏi thông tin cá nhân ứng viên
Giới thiệu bản thân luôn là câu hỏi mà nhà tuyển dụng hỏi bạn trong bất cứ công việc nào. Đây là câu hỏi để kiểm tra lại với các thông tin trong CV mà bạn đã nộp. Với câu hỏi này, bạn cần trả lời đúng trọng tâm và thật chỉn chu, tránh trả lời lan man, dài dòng. Nếu trả lời tốt câu hỏi này, bạn sẽ gây được ấn tượng đầu tốt đẹp trong mắt nhà tuyển dụng, giúp buổi phỏng vấn trở nên thuận lợi hơn. Dưới đây là bộ câu hỏi về thông tin cá nhân dành cho ứng viên:
– Bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân được không?
– Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì?
– Bạn có mong muốn gì cho công việc?
– Bạn sẽ làm được gì cho công ty chúng tôi?
– Tại sao bạn nghĩ mình lại phù hợp với vị trí này của công ty? Đâu là lý do mà chúng tôi nên tuyển chọn bạn?
– Động lực để trở thành nhân viên ưu tú của bạn là gì?
– Công việc tư vấn có điểm nào làm bạn thích thú?
– Bạn mong muốn lịch làm việc như thế nào?
– Để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn nhân viên tư vấn ngày hôm nay, bạn đã làm những gì?
– Bạn có gặp khó khăn gì nếu như phải làm tăng ca không?
2. Bộ câu hỏi về kinh nghiệm làm việc
Bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng sẽ hỏi ứng viên về kinh nghiệm của họ đối với công việc. Đây là cách để họ biết được ứng viên đã thực sự có trải nghiệm nào với công việc hay chưa. Từ đó, việc đánh giá năng lực của ứng viên sẽ trở nên chính xác nhất. Với câu hỏi này bạn nên trả lời thành thực nhất những kinh nghiệm mà mình có. Nhất là bạn nên lựa chọn những kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng để gia tăng lợi thế cạnh tranh. Một số câu hỏi về kinh nghiệm làm việc như:
– Bạn đã từng làm công việc tư vấn trước đây chưa?
– Bạn đã làm tư vấn trong thời gian bao lâu rồi?
– Điều bạn thích nhất khi làm nhân viên tư vấn là gì?
– Có điều gì khiến bạn không hài lòng khi làm nhân viên tư vấn không?
– Bạn có kinh nghiệm gì đặc biệt trong việc tư vấn cho khách hàng không?
– Điểm mạnh và yếu của bạn khi tương tác với khách hàng là gì?
– Bạn đã bao giờ bạn tự đề xuất một ý tưởng, chiến lược sáng tạo để thúc đẩy doanh số tư vấn?
– Bạn sẽ tư vấn những gì về sản phẩm cho khách hàng?
– Theo bạn, kỹ năng nào là cần thiết nhất với nhân viên tư vấn?
– Bạn đã từng làm gì để gia tăng doanh số, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian?
3. Bộ câu hỏi giả định tình huống
Trong một cuộc phỏng vấn đối với công việc nhân viên tư vấn, nhà tuyển dụng có thể sẽ đưa ra những câu hỏi, giả định về những tình huống có liên quan. Việc này giúp cho nhà tuyển dụng xác định được cách xử lý tình huống, khả năng phán đoán của ứng viên trong công việc. Hãy trả lời khôn khéo dựa theo những kinh nghiệm có sẵn của mình. Sau đây là một số câu hỏi giả định tình huống:
– Bạn sẽ làm gì khi không hoàn thành doanh số tháng hoặc có khách hàng đưa ra phản hồi xấu?
– Bạn nghĩ công ty/đội ngũ tư vấn của chúng tôi có thể làm gì để cải thiện tốt hơn?
– Bạn đã bao giờ hỏi một khách hàng tiềm năng nhưng không mua hàng từ bạn để nghe giải thích vì sao bạn thất bại trong hợp đồng đó? Họ nói gì và bạn học được kinh nghiệm gì từ đó?
– Bạn giải quyết như thế nào nếu như gặp phải khách hàng có thái độ bực dọc, cáu gắt, không muốn hợp tác?
– Bạn sẽ tạo sự nổi bật ra sao trong một nhóm nhân viên cùng bán một sản phẩm như nhau?
– Khi gặp phải lời phê bình, bạn sẽ xử lý như thế nào?
– Khi không đạt doanh số bạn sẽ báo cáo với cấp trên như thế nào?
– Đánh giá tồi tệ nhất bạn từng nhận được trong công việc tư vấn là gì? Bạn đã thay đổi điều đó như thế nào?
– Bạn làm thế nào để dung hòa các thành viên trong nhóm khi có xung đột, tranh chấp?
– Nếu bây giờ bạn phải gọi điện tư vấn cho khách hàng luôn, bạn sẽ xử lý như thế nào?
IV. Đặt câu hỏi ngược cho nhà tuyển dụng – chìa khóa thành công
Có rất nhiều cách để có thể gây ấn tượng và thu hút được sự chú ý của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn. Một trong số đó có thể kể đến là việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Đây cũng là một cách ít người biết tới để tạo ấn tượng về bản thân cho các nhà tuyển dụng. Việc đặt câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng giúp nhà tuyển dụng đánh giá một phần nào đó cá tính và năng lực của bạn. Ngoài ra, việc này còn giúp bạn tìm hiểu về văn hóa, bộ máy hoạt động và nội quy của công ty, nắm chắc được công việc mình sẽ làm và cho thấy sự nghiêm túc khi làm việc.
Dưới đây là một vài câu hỏi mà bạn có thể hỏi lại nhà tuyển dụng:
– Anh/chị có thể chia sẻ thêm về yêu cầu của công việc không được nhắc trong phần mô tả công việc không?
– Người từng làm ở vị trí này đã gặp khăn gì trong công việc?
– Những người đã thành công trong vai trò công việc này thường sở hữu những phẩm chất nào?
– Những thách thức tôi sẽ gặp khi đảm nhận công việc này là gì?
– Thời gian làm việc cao điểm nhất trong năm của vị trí này là khi nào? Vì sao đây mới là khoảng thời gian làm việc cao điểm nhất?
– Theo yêu cầu của công ty, anh/chị đánh giá về sự thành công như thế nào?
– Với vị trí công việc này, thông thường sau bao lâu công ty sẽ mở tuyển dụng lại?
– Văn hóa công ty có những đặc trưng nào?
– Anh/chị có những yêu cầu gì cho một ứng viên tiềm năng và phù hợp với công việc tuyển dụng?
– Theo anh/chị, tôi có thể mang đến những kỹ năng gì cho vị trí ứng tuyển này?
– Anh/chị cảm thấy những kỹ năng nào của tôi cần cải thiện để phù hợp với công việc?
– Tôi sẽ phải liên lạc với ai hay phòng ban nào để biết được thông tin sau phỏng vấn?
– Nếu được nhận, thời gian bắt đầu làm việc là khi nào?
– Kết quả tuyển dụng sẽ được chuyển vào mail cá nhân hay đăng danh sách trên website công ty?
V. Những lưu ý dành cho nhà tuyển dụng nhân viên tư vấn
Bên cạnh việc đưa ra các yêu cầu cần thiết cho các ứng viên, người phỏng vấn nhân viên tư vấn cũng cần ghi nhớ những lưu ý riêng. Bởi lẽ, bạn sẽ là người trực tiếp quyết định chất lượng của đợt tuyển nhân sự đó. Dưới đây là một số lưu ý dành cho người phỏng vấn nhân viên tư vấn:
– Đừng bắt ứng viên phải chờ đợi quá lâu: Việc chờ đợi khi tham gia phỏng vấn là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, bắt ứng viên phải chờ đợi quá lâu là điều không nên. Bởi, việc này sẽ khiến cho ứng viên trở nên mệt mỏi, thậm chí bực dọc. Nhiều ứng viên tiềm năng có thể sẽ từ chối với cách làm việc không đúng giờ này và quyết định ra về. Để tránh tình trạng này thì bạn cần sắp lịch hẹn có khoảng cách hợp lý và đến địa điểm phỏng vấn đúng giờ.
– Đọc hồ sơ ứng viên và chuẩn bị bảng câu hỏi: Một buổi phỏng vấn thành công đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ từ phía ứng viên mà cả phía nhà tuyển dụng. Việc đọc hồ sơ ứng viên trước buổi tuyển dụng sẽ giúp bạn nắm được nét nổi bật từng người, sẽ có định hướng về những câu hỏi phù hợp giúp ứng viên chứng tỏ được thực lực. Bên cạnh đó, có danh sách câu hỏi sẵn để khai thác thông tin sâu hơn là một điều cần thiết. Việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian phỏng vấn, tránh được những câu hỏi lan man, thiếu tính gợi mở, thậm chí là vô nghĩa.
– Tạo sự thoải mái, tự tin cho ứng viên: Hãy giúp những ứng viên của mình bộc lộ được hết khả năng bằng cách đem tới cho họ sự tự tin, thoải mái. Bạn có thể bắt đầu buổi phỏng vấn với những lời chào hay những câu hỏi thể hiện được sự gần gũi. Chẳng hạn như: “Rất vui vì được gặp bạn trong buổi phỏng vấn của công ty chúng tôi”, “Cảm ơn bạn đã nhận lời tham gia phỏng vấn”, “Chúc bạn thành công trong buổi phỏng vấn”,… Việc này sẽ làm tăng mong muốn trở thành nhân viên chính thức của ứng viên, giúp họ nỗ lực hết sức trong buổi phỏng vấn.
– Tuyệt đối không đưa ra quyết định đầy cảm tính: Việc có thiện cảm với những người có cùng suy nghĩ, tính cách là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng cần tỉnh táo để đưa ra quyết định khách quan nhất. Tuyển dụng là tìm nhân viên đáp ứng được yêu cầu công việc, chứ không phải tìm một người chỉ hợp ý với riêng bạn. Hơn nữa, việc tuyển dụng dựa trên cảm tính sẽ không tạo sự công bằng cho các ứng viên khác. Doanh nghiệp sẽ giảm tính cạnh tranh, sự khác biệt, cũng như khả năng sáng tạo vì đội ngũ nhân viên ai cũng “na ná” nhau.
– Tránh việc từ chối thẳng thừng, thiếu tế nhị: Từ chối thẳng thừng, thiếu tế nhị sẽ khiến ứng viên có cái nhìn không tốt với công ty, lâu dần cũng sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng công ty. Trước khi đưa ra lời từ chối, bạn nên thể hiện sự trân trọng với ứng viên vì đã sắp xếp thời gian tham gia phỏng vấn. Sau đó hãy đưa ra lý do vì sao họ không phù hợp với vị trí tuyển dụng. Và cuối cùng, đừng quên nói tạm biệt và hẹn gặp lại vào một dịp khác.